Posted in Du Lịch, Địa Điểm

Việt Nam vs. Trung Quốc

Hồi tháng 11/2016, tớ có một chuyến công tác đến Thành phố Đông Hưng, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Nói thực là trước chuyến đi này, tâm trạng tớ rất mâu thuẫn. Tớ vốn dĩ là một đứa mọt truyện mọt phim Trung Quốc, lại bởi vì sự kiện 12/7/2016 (khi một loạt sao và tác giả Hoa ngữ lên tiếng ủng hộ cái đường lưỡi bò trên biển Đông) khiến cho tớ thật “kinh động”, bắt đầu sinh ra cảm giác bài xích. Chưa kể đến, tớ có vài người bạn Trung Quốc nữa, sau sự kiện ấy, tớ cũng chưa bao giờ hỏi những người bạn ấy nghĩ gì về biển Đông hay vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển, nhưng không lẽ vì bài xích tư tưởng “Trung Quốc một phân cũng không thể ít đi” mà nghỉ chơi với bạn? Thêm nữa, với sự “sôi sùng sục” của cư dân mạng Trung Quốc, tớ đã nghĩ có lẽ toàn dân Trung Quốc đang ghét người Việt Nam lắm, có khi nào sang đấy rồi bị bắt cóc đánh đập dã man không ta?

Nhưng đến khi đặt chân đến đất Trung Quốc rồi, tớ mới vỡ lẽ ra nhiều thứ, học hỏi được nhiều điều, và gỡ xuống nhiều định kiến.

Trong bài viết này, tớ xin chia sẻ với mọi người một số điều khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc mà tớ thấy được qua chuyến đi. Có thể bài viết này chưa hoàn chỉnh và hoàn toàn nhìn nhận văn hoá của hai nước toàn diện, nhưng hy vọng những chia sẻ này có thể là nguồn tham khảo hữu ích cho mọi người.

  1. Bốc vác

Bởi vì tớ sang Trung Quốc tham gia một hội chợ, nên tớ phải đi cùng với thuyền hàng của mình sang Trung Quốc. Nhờ đó, tớ mới có cơ hội nhìn thấy “dây chuyền” bốc vác của Việt Nam và cả Trung Quốc.

Phải nói là tớ rất khâm phục các anh các chú bốc vác của Việt Nam vì mỗi lần họ có thể khuân 1 ~ 1,5 tạ hàng trên vai. Nếu là bao gạo 50kg thì mỗi lần 2-3 bao, còn nếu là thùng hàng như mỳ tôm, bánh kẹo thì cứ 4-5 thùng một lần. Quả thật rất nể mọi người luôn ấy!

Còn bên Trung Quốc thì ngược lại, mỗi lần họ chỉ bê 1-2 thùng/bao hàng thôi. Nhưng họ lại không có tấm lót cổ như ở Việt Nam mình, nên cảm tưởng chắc chắn những thùng hàng/bao hàng/tấm kim loại mà họ phải vác sẽ cọ vào cổ, chắc chắn rất đau và nguy hiểm.

Ở Việt Nam, nhân viên sẽ ném hàng của bạn xuống thuyền hay vào ô tô, người phụ trách sẽ tự sắp xếp lại, trong khi đó ở Trung Quốc, nhân viên sẽ giao hàng cho người đang đứng dưới thuyền hoặc ô tô để sắp xếp gọn gàng và nhịp nhàng. Tất nhiên, những ai đi buôn bán cũng muốn hàng hoá của bản thân được bưng lên đặt xuống nhẹ nhàng, chứ không phải quăng ném vô tư mà không thương tiếc.

Ở Việt Nam, có thể là các chú các anh bưng hàng hoá một lần quá nhiều, nên nhanh kiệt sức, vì thế, chốc chốc lại xin nghỉ giải lao, rồi các ông chủ bà chủ xe hàng lại phải mua vài chai nước giải khát tiếp sức. Trong khi đó ở bên kia biên giới, mọi người cứ lặng lẽ làm việc cho đến khi xong xuôi mới thôi.

  1. Xe máy

Tớ đã cực kỳ bất ngờ vì ở Trung Quốc không cần phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy hoặc xe đạp điện. Nhưng nói chung như thế thì không được an toàn cho lắm, vì lỡ xảy ra va chạm, đập đầu xuống đất là chấn thương sọ não như chơi.

Càng thấy bất ngờ hơn chính là ở Trung Quốc người ta còn cắm cả cây dù lên xe máy/xe máy điện nữa. Trông thì thú vị nhưng thử tưởng tượng những lúc đường đông, mà xe nào cũng có một cái dù trên đầu như thế thì nhìn đường kiểu gì đây nhỉ?

Hình ảnh được tải trên mạng

Điều mà tớ cực kỳ ưng ý đối với xe cộ ở Trung Quốc là rất nhiều người sử dụng xe máy điện. Chỉ có những anh những chú chạy xe ôm thì mới đi xe máy, như kiểu xe mô-tô ấy. Bởi vì tớ cũng thích đi xe đạp điện/xe máy điện, nên tớ rất thích việc loại xe này được lựa chọn sử dụng phổ biến. Rất là thân thiện với môi trường!

  1. Đỗ xe

Có lẽ là do đất Trung Quốc rộng lớn, nên xây được nhiều con đường rộng rãi. Mặt đường thì hai làn thoải mái, còn vỉa hè thì rộng thênh thang, thậm chí còn rộng bằng một con đường của Việt Nam mình đấy. Cho nên, muốn đỗ xe hơi sát vỉa hè hay trên vỉa hè thì cũng không vấn đề gì cả, miễn là đỗ đúng chỗ được cho phép.

Ở bên Trung Quốc cũng không có người giữ xe như ở bên mình. Nếu đi xe máy/xe đạp/xe máy điện, thì mọi người chỉ cần khoá xe và để gọn trên vỉa hè là được, cũng không có ai trông xe hoặc ghi vé giữ xe gì cả. Một chị đối tác của công ty tớ, là người Việt Nam nhưng sống ở Trung Quốc đã lâu cũng bình luận, cho dù là đi ra nơi bát nháo như khu vực cửa khẩu thì chỉ cần dựng xe ở một chỗ nào đó cũng không sợ mất, phục luôn!

  1. Siêu thị

Đến các siêu thị ở Việt Nam, việc đầu tiên bạn phải làm là tháo túi gửi ở quầy gửi đồ hoặc được bọc túi lại bằng nilon để tránh tình trạng mất cắp.

Ấy vậy mà ở Trung Quốc, chúng ta có thể vô tư khoác balo đeo túi xách đi nghênh ngang vào cửa hàng. Chẳng có ai chặn bạn lại để mà yêu cầu bạn phải gửi túi xách cả đâu.

 

Trên đây là một số điều thú vị tớ thấy được qua chuyến đi. Hy vọng sẽ giúp mọi người biết thêm nhiều điều về đất nước mà người Việt Nam chúng ta “yêu hận không rõ” (just kidding!) suốt mấy ngàn năm qua. 🙂 🙂